MIKADO - Dựng xây ngôi nhà hạnh phúc
1900 0338

Tin tức

Buông lỏng quản lý trong đầu tư sản xuất gạch ốp lát

Hiện nay, năng lực sản xuất gạch ốp lát ceramic và granit rất lớn, nhưng thực tế tiêu thụ hai loại sản phẩm này rất chậm. Ðiều đó không chỉ gây khó khăn cho cơ sở sản xuất mà quan trọng hơn là lãng phí vốn đầu tư. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng nêu trên?

Cả nước có 51 cơ sở sản xuất;
Sản lượng gạch ốp lát ceramic: 145 triệu m2/năm;
Sản lượng gạch ốp lát granit: 24,5 triệu m2/năm;
Tổng vốn đầu tư : hơn 7.000 tỷ đồng.

Nếu như năm 1994, cả nước chỉ có một nhà máy sản xuất gạch ceramic với công suất thiết kế 1 triệu m2/năm, nhưng sản xuất chỉ đạt 340 nghìn m2/năm và chưa từng được thế giới biết đến về lĩnh vực sản xuất mới mẻ này, nhưng trong hơn 10 năm qua, với tốc độ tăng bình quân liên tục hơn 50%/năm, đến nay năng lực sản xuất của hai loại sản phẩm này đã gấp 500 lần so với năm 1994, và đứng vào top 10 nước sản xuất hàng đầu thế giới.

Ðối với các nước phát triển, trong vật liệu ốp lát ceramic và granit, thì granit thường chiếm tỷ lệ khoảng từ 7 đến 15%, còn các nước đang phát triển thì tỷ lệ này đáng lẽ phải thấp hơn, do sản xuất granit đòi hỏi quy trình công nghệ và kỹ thuật sản xuất cũng như nguyên vật liệu phức tạp hơn. Nhưng ngược lại, ở nước ta, nếu năm 2000 cả nước mới sản xuất được 6,5 triệu m2 granit, thì đến nay đã lên tới 24,5 triệu m2, tức là chiếm hơn 20% so với tổng công suất cả hai loại sản phẩm. Thị trường trong nước mất cân đối, cung vượt cầu, tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp. Ðây là hậu quả của sự buông lỏng của các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng. Ðó là yếu kém về biện pháp quản lý và kiểm soát quy hoạch phát triển. Ðó còn là sự buông lỏng để cho rất nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp (DN) quốc doanh, tư nhân, liên doanh, tới các DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực này, với tốc độ quá nóng.

Trong sự phát triển ồ ạt của các cơ sở sản xuất gạch ceramic và granit, nhất là các DN tư nhân, trong hai năm gần đây đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và sản lượng, với 15 DN, tổng công suất gần 68 triệu m2/năm, và hiện chiếm khoảng 44% thị phần. Riêng tập đoàn tư nhân Primer Group (Vĩnh Phúc) có sản lượng lên tới gần 35 triệu m2 gạch ceramic/năm. Các DN này tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng lại thừa hưởng những kinh nghiệm và công nghệ đã được các DN đi trước đầu tư từ những năm cuối của thế kỷ trước, vì vậy có điều kiện sàng lọc, tích lũy kinh nghiệm để đầu tư mới dây chuyền thiết bị hiện đại, giá thấp. Thêm vào đó là trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại sản phẩm vật liệu xây dựng khác dùng cho ốp tường, lát nền từ bình dân đến cao cấp có thể thay thế gạch ốp lát ceramic và granit, như đá xẻ, gỗ ván sàn...

Nhằm góp phần hạn chế lãng phí trong đầu tư; đồng thời, giúp các DN khắc phục tình trạng sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, trước hết, các doanh nghiệp hoặc phải giảm lượng sản xuất so với năng lực hiện có bằng các biện pháp dừng sản xuất để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, vệ sinh công nghiệp,.. Ðầu tháng 9 vừa qua, Công ty gạch ốp lát Hà Nội - DN sản xuất gạch ceramic đầu tiên ở Việt Nam đã tạm dừng sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ và chuẩn bị phương án di dời về địa điểm mới tại Hải Dương. Hoặc như nhiều DN ngoài quốc doanh ở Vĩnh Phúc đã chủ động giảm năng lực sản xuất xuống 50% so với công suất thiết kế. Hiện nhiều DN tìm các biện pháp giảm các chi phí đầu vào, thông qua tổ chức đấu thầu mua sắm nguyên vật liệu để tìm được nguồn cung cấp tốt nhất về chất lượng, nhưng giá hạ; tổ chức lại lực lượng sản xuất hợp lý; tìm biện pháp công nghệ tối ưu để nâng cao chất lượng sản phẩm, hoặc lựa chọn sản xuất các sản phẩm cao cấp, với mẫu mã mới, chất lượng tốt được người tiêu dùng ưa chuộng và cuối cùng là tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu,.. chỉ có như vậy mới khắc phục được tình trạng ứ đọng sản phẩm như hiện nay.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, qua bài học xi-măng lò đứng, và nay là gạch ceramic và granit, thiết nghĩ đã đến lúc cần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất gạch ốp lát ceramic và granit nói riêng. Trước mắt, cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương trong việc rà soát lại quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp, các dự án đã được duyệt, kiên quyết dừng các dự án mới chuẩn bị đầu tư, đồng thời có biện pháp giúp các DN củng cố, phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để xuất khẩu sản phẩm gạch ốp lát ceramic và granit ra thị trường ngoài nước.

Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam ÐINH QUANG HUY: Trong tình hình cung vượt quá cầu tại thị trường trong nước, các DN đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu, đi đầu là các DN Viglacera, gạch Ðồng Tâm, Taicera,.. Nhưng vẫn chiếm tỷ trọng quá nhỏ so với năng lực của các DN, vì vậy cần có biện pháp tiếp thị, mở rộng thị trường ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ, nhất là các DN liên doanh hay có vốn đầu tư nước ngoài.

Kỹ sư vật liệu xây dựng (Công ty đầu tư và xây dựng Phương Bắc) TRUNG THÀNH: Hiện trên thị trường, ngoài gạch ốp lát ceramic và granit, còn có các loại đá xẻ, và nhất là gỗ ván sàn được nhập khẩu hoặc sản xuất trên các dây chuyền thiết bị hiện đại, bảo đảm mầu sắc tự nhiên hài hòa, không thay đổi theo thời gian, khả năng chống cháy, chống trầy xước và kháng nước rất cao,.. được dùng khá phổ biến trong việc ốp tường, lát nền nhà,.. có thể thay thế các sản phẩm gạch ceramic và granit.

Ông ÐINH DUY XƯƠNG, số nhà 80, ngõ 6 Vạn Phúc, quận Ba Ðình, Hà Nội: Gạch ốp lát ceramic đẹp, nhưng không bền, còn gạch granit bền, nhưng giá lại cao, vì vậy nhiều gia đình đã chọn các loại vật liệu khác vừa bền, đẹp, mà giá cả lại hợp túi tiền. Với giá bán như hiện nay, còn lâu các gia đình nông dân mới được sử dụng gạch lát cao cấp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng TỐNG VĂN NGA: Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cảnh báo về tình trạng dư thừa sản phẩm gạch lát ceramic và granit. Trước mắt, các doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất, kinh doanh gắn với thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Chuyển hướng sản xuất các sản phẩm cao cấp thay thế các sản phẩm không còn phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Ðồng thời tập trung cho việc giải quyết hàng tồn đọng, thu hồi công nợ, không để tăng thêm dư nợ vay ngân hàng, kiên quyết dừng sản xuất các sản phẩm có số lượng tồn kho quá mức dự trữ cho phép, khó có khả năng tiêu thụ.

Công ty cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng

Trụ sở: Tầng 6, tòa Diamond Flower Tower, đường Lê Văn Lương.

Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

+ Hãy gọi: (+8424) 3755 6888 - CSKH: 1900 0338

+ Hỗ trợ bán hàng: infomikado@mikado.com.vn

+ Phòng Xuất khẩu +84 988 969 466 – Email: buihanh81@mikado.com.vn

Showroom 1:

+ Tòa nhà The Matrix One, Số 1 Lê Quang Đạo, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

+ Phone: 1900 0338

Showroom 2:

+ Số 100, đường số 10, KDC Vạn Phúc, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP HCM.

+ Phone: (+8428) 35 35 93 98